Theo các nhà khoa học, mùi hôi ở miệng thường do các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi gọi là VSC (volatile sulfur compounds) bao gồm tới 400 chất trong hơi thở của con người, trong đó có 3 chất chính là hydrogen sulfide (H2S) có mùi trứng thối, methyl mercaptan (CH3SH) có mùi ga và dimethyl sulfide (CH3SCH3). Khi các chất này hình thành ở trong miệng, chúng hòa tan với nước bọt và ngấm vào niêm mạc miệng do đó không có mùi hôi ở miệng. Nếu các chất này hình thành quá nhiều ở trong miệng, vượt quá khả năng hòa tan của nước bọt và hấp thu của niêm mạc miệng thì miệng sẽ có mùi hôi. Nếu mùi hôi nhiều đến mức mà người khác cảm nhận được thì khi đó được gọi là bị chứng hôi miệng.
Các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC) có thể hình thành từ 2 nguồn gốc khác nhau với nguyên nhân ngay ở tại hốc miệng và nguyên nhân ở ngoài hốc miệng để gây nên mùi hôi của chứng hôi miệng.
Các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi được tạo ra tại hốc miệng và chứng hôi miệng được xác định có nguyên nhân từ miệng. Chúng chiếm tỉ lệ khoảng 90% những trường hợp hôi miệng do những vi khuẩn hiện diện ở miệng phân hủy protein có trong hốc miệng từ đồ ăn, thức uống... để tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi. Vi khuẩn gây hôi miệng thường là loại vi khuẩn kỵ khí trú ẩn ở dưới các mảng bám răng, trong khe nướu, trong túi nha chu và giữa những khe hở của niêm mạc lưng lưỡi. Các protein có trong miệng thường là những mảnh vụn thức ăn, tế bào mô chết tróc ra từ niêm mạc miệng, xác vi khuẩn... Như vậy, bất kỳ một bệnh lý nào, bất cứ một tình trạng nào ở trong miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn và thức ăn hoặc tế mô bào chết tích tụ lại sẽ gây nên quá trình phân hủy; từ đó mùi hôi trong chứng hôi miệng được hình thành.
>>> xem thêm: chữa hôi miệng bằng cách nào
Đồng thời nếu tình trạng vệ sinh răng miệng kém, bị bệnh nha chu, khô miệng... cũng thường gây nên chứng hôi miệng. Nước bọt cũng có liên quan đến tình trạng hôi miệng vì nước bọt là loại dung dịch có tính sát khuẩn, ngoài vai trò trong tiêu hóa thức ăn chúng còn đóng vai trò rửa sạch, hấp thu các khí có mùi hôi; cuốn đi nhiều vi khuẩn, mảnh vụn thức ăn để đưa xuống dưới dạ dày. Nếu lượng nước bọt tiết ra hàng ngày ở trong miệng không đủ, miệng bị khô dễ dẫn đến hôi miệng. Ban đêm khi ngủ, nước bọt tiết ra ít nên buổi sáng khi thức dậy miệng thường có mùi hôi hơn ban ngày. Những nguyên nhân làm cho khô miệng có thể do dùng một loại thuốc có tác dụng gây giảm bài tiết nước bọt, do bệnh lý của tuyến nước bọt, do thở bằng miệng, do uống không đủ lượng nước hàng ngày... Lưỡi cũng có vai trò quan trọng trong việc gây ra chứng hôi miệng vì lưng lưỡi có cấu trúc đặc biệt với nhiều khe, kẽ; đây là nơi để cho loại vi khuẩn kỵ khí trú ngụ. Nếu lưỡi sạch sẽ có màu hồng tươi, khi có một lớp trắng phủ lên ở trên lưỡi là dấu hiệu biểu hiện có nhiều vi khuẩn phát triển ở tại nơi đó.
Thực tế không phải ai cũng cảm nhận được mình bị hôi miệng; chỉ có người khác mới biết rõ, cảm nhận rõ mình có bị chứng hôi miệng hay không. Máy đo hôi miệng halimeter có thể giúp xác định tình trạng này nhờ nó có thể đo nồng độ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong hơi thở. Máy còn có khả năng giúp chẩn đoán chứng hôi miệng do nguyên nhân ở tại miệng hay do nguyên nhân ở ngoài miệng.
Các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi ngoài nguồn gốc nguyên nhân gây nên từ hốc miệng như đã nêu trên, chúng còn được hình thành và thải ra qua hơi thở do bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý toàn thân; có thể do thức ăn, do thuốc... Các nguyên nhân ngoài miệng chiếm tỉ lệ khoảng 10% số trường hợp người bị chứng hôi miệng nhưng thực tế ít khi được chú ý. Các bệnh đường hô hấp thường gây nên chứng hôi miệng là viêm xoang mũi, viêm họng, viêm phổi, có mủ ở phổi. Các bệnh toàn thân gây hôi miệng có thể gặp là bệnh tiểu đường do người bệnh thở ra mùi của các thể acetone, bệnh suy thận với hơi thở có mùi cá ươn, bệnh gan với hơi thở có mùi trứng ung, mùi tỏi... Nếu thường ngày hơi thở không có mùi hôi nhưng đột nhiên miệng có mùi hôi nhiều, phải chú ý tìm nguyên nhân do một bệnh lý toàn thân nào đó.
Dạ dày cũng có thể đưa lên miệng mùi hôi nếu các van của dạ dày ở phần nối dạ dày với thực quản bị hở và không bình thường. Một số loại thức ăn có thể làm cho miệng có mùi hôi như hành, tỏi, trứng, cá... do trong quá trình tiêu hóa các hợp chất lưu huỳnh được tạo ra, xâm nhập vào máu đến phổi gây hơi thở ra từ miệng có mùi hôi trong nhiều giờ hoặc vài ngày. Người phụ nữ trong thời kỳ rụng trứng cũng như thời gian có kinh nguyệt sẽ có các thay đổi nội tiết có thể làm cho hơi thở có mùi đặc biệt. Một số thuốc uống cũng có thể ảnh hưởng tới việc tẩy mùi hôi như thuốc cảm cúm, chống dị ứng, hạ huyết áp, chống trầm cảm...
>>> xem thêm: làm cách nào để hết hôi miệng
Nguyên nhân gây chứng hôi miệng đã được xác định rõ với các nguyên nhân chủ yếu ở trong hốc miệng và những nguyên nhân khác có liên quan ở ngoài miệng. Vì vậy, khi bản thân tự cảm nhận hoặc người thân phát hiện, góp ý tế nhị về trạng thái hôi miệng của mình; cần phải đến bác sĩ nha khoa khám và chữa trị tích cực; đồng thời tiếp nhận sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể để khắc phục nhược điểm mắc phải. Chứng hôi miệng có thể làm hạn chế sự tự tin, mặc cảm trong giao tiếp nên sẽ có khả năng làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét